Thời sự
Cập nhật lúc 09:44 09/01/2025 (GMT+7)
Giáo viên lần đầu được thưởng Tết, niềm vui chưa trọn vẹn

Việc giáo viên nhiều nơi lần đầu được nhận thưởng Tết theo Nghị định 73 của Chính phủ đã trở thành câu chuyện thời sự những ngày gần đây.

Giáo viên lần đầu được thưởng Tết, niềm vui chưa trọn vẹn
Hàng nghìn giáo viên ở Hà Nội có nguy cơ mất thưởng Tết vì trường tự chủ tài chính. Ảnh: Vân Trang

Sự phấn khởi, hào hứng lan tỏa trong đội ngũ nhà giáo khi khoản thưởng này, dù không quá lớn, cũng đủ để họ cảm nhận được sự quan tâm với “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

Thế nhưng, niềm vui ấy vẫn mang chút “gợn” khi không phải tất cả giáo viên, đặc biệt là giáo viên hợp đồng, đều có cơ hội hưởng chính sách nhân văn này.

Trước hết, phải khẳng định Nghị định 73 là một bước tiến trong chính sách đãi ngộ đối với các lực lượng công chức, viên chức nói chung, giáo viên nói riêng. Lần đầu tiên, đội ngũ nhà giáo được nhận một khoản thưởng Tết dựa trên mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, chính sách này có giá trị động viên tinh thần to lớn, khích lệ các thầy cô dồn tâm huyết cho “sự nghiệp trồng người”.

Nhiều địa phương như TPHCM, Bình Dương, Hà Nội… đã nhanh chóng triển khai, khiến không ít giáo viên “mừng rơi nước mắt” khi cầm trong tay những khoản thưởng Tết từ 4 đến 7 triệu đồng.

Tuy nhiên, niềm vui vẫn chưa trọn vẹn với những nhà giáo không thuộc biên chế. Ở một vài địa phương, trong hướng dẫn thi hành Nghị định 73, giáo viên hợp đồng không được hưởng khoản thưởng này.

Hay ở Hà Nội hiện có hàng nghìn giáo viên có nguy cơ mất thưởng Tết 2025 theo Nghị định 73 vì trường tự chủ tài chính.

Tình huống “người có, người không” đã tạo ra tâm tư buồn tủi cho giáo viên hợp đồng, nhất là khi họ vẫn tham gia công tác giảng dạy, gánh vác trách nhiệm với học sinh chẳng khác gì giáo viên biên chế.

Vẫn biết về mặt pháp lý, việc xét đối tượng hưởng theo quy định là điều dễ hiểu, song xét về mặt nhân văn, khó tránh khỏi sự chạnh lòng giữa các đồng nghiệp cùng chung mái trường, đặc biệt trong dịp Tết.

Phải chăng, chúng ta cần sớm có một điều chỉnh hợp lý hơn để các thầy cô hợp đồng cũng cảm nhận được sự động viên, công bằng, bằng cách nên mở rộng đối tượng hưởng khoản thưởng theo Nghị định 73, để giáo viên hợp đồng - dẫu chưa chính thức trong biên chế - cũng được nhận mức đãi ngộ nhất định, đúng với công sức họ bỏ ra.

Các địa phương cũng cần linh hoạt hơn trong việc bố trí, ưu tiên ngân sách để mỗi giáo viên đều có niềm vui nho nhỏ dịp cuối năm.

Chính sách đã mang tính “nhân văn” thì nên đảm bảo sự công bằng và đồng bộ cao nhất có thể.

Thưởng Tết đối với giáo viên theo Nghị định 73 của Chính phủ là vấn đề mới mẻ, không thể tránh khỏi những vướng mắc ban đầu. Hãy coi đây là bước khởi đầu quan trọng trong việc cải thiện chế độ đãi ngộ dành cho những người thầy.

Có thể năm nay khoản thưởng chưa cao, đối tượng chưa được phủ rộng, ngân sách chưa đồng đều, nhưng nó lại mở ra hi vọng để đội ngũ giáo viên tin rằng: Cống hiến của mình sớm muộn cũng sẽ được ghi nhận xứng đáng.

Và đó mới chính là ý nghĩa cốt lõi của một chính sách nhân văn, thể hiện sự chăm lo cho “sự nghiệp trồng người” của Đảng và Nhà nước.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/giao-vien-lan-dau-duoc-thuong-tet-niem-vui-chua-tron-ven-1447116.ldo

Hoàng Văn Minh (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: