Dự báo bất ngờ về kịch bản lạm phát năm 2025 của Việt Nam
CPI trung bình năm 2024 của Việt Nam chỉ tăng 3,63% so với 2023. Đây là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam thành công kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%.
Một thập kỷ lạm phát thấp
Vào đầu năm 2024 không có nhiều dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam khi GDP chỉ tăng 5,66% trong quý I/2024, còn CPI vào tháng 3.2024 đã tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều thách thức từ các cuộc xung đột địa chính trị tại Ukraine và Trung Đông, xu hướng gia tăng giá cước vận tải và đặc biệt là sự mạnh lên của đồng USD trên thị trường thế giới gây áp lực lớn đến tỉ giá, lãi suất và lạm phát tại Việt Nam. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng kể từ quý II/2024 bức tranh kinh tế đã dần sáng hơn.
Tại Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024 và dự báo 2025, tổ chức ngày 9.1, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính đánh giá sự phục hồi ấn tượng của xuất khẩu và sản suất công nghiệp đã giúp tăng trưởng GDP các quý sau có xu hướng cao hơn so với quý trước.
"Lạm phát so với cùng kỳ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh ở mức 4,45% vào tháng 5.2024. Kết quả, đến cuối năm 2024 Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép với tăng trưởng GDP đạt mức 7,09% (vượt mục tiêu 6 - 6,5%), còn CPI trung bình chỉ tăng 3,63% so với năm trước, thấp hơn rất nhiều mức mục tiêu được Quốc Hội thông qua là 4 - 4,5%. Đây cũng là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam thành công trong việc kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%" - PGS.TS Nguyễn Đào Tùng đánh giá.
Kịch bản lạm phát năm 2025
Bên cạnh các yếu tố về tiền tệ, tỉ giá, lạm phát trong năm 2025 còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như tăng trưởng kinh tế thế giới và giá dầu, giá nguyên vật liệu đầu vào. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới trong năm 2025 vẫn tăng trưởng ổn định với mức 3,2%, tương đương năm 2024, còn giá dầu và giá các hàng hóa cơ bản đầu vào, tính trung bình, có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, tỷ giá và lãi suất sẽ là các yếu tố còn nhiều bất định và tác động đến giá cả ở Việt Nam.
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính dự báo có thể xem xét 3 kịch bản lạm phát trong năm 2025.
"Trong kịch bản cơ sở, tỉ giá USD/VND ổn định và lãi suất chỉ tăng nhẹ do nhu cầu tín dụng tăng, CPI được dự báo sẽ tăng trung bình 0,23%/tháng và lạm phát trung bình cả năm 2025 sẽ ở mức khoảng 3,0%.
Trong kịch bản cao, áp lực tỉ giá lớn do đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường thế giới, còn NHNN tăng mạnh lãi suất để ổn định tỉ giá và kiểm soát lạm phát, CPI có thể sẽ tăng 0,28%/tháng và lạm phát trung bình sẽ ở mức khoảng 3,3%.
Trong kịch bản thấp, kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng yếu, giá dầu giảm đáng kể, đồng thời giá USD và lãi suất ổn định hoặc giảm nhẹ, CPI có thể chỉ tăng 0,18%/tháng và lạm phát trung bình sẽ ở mức khoảng 2,7%.
Các dự báo trên chưa tính đến trường hợp Chính phủ tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục theo lộ trình, cũng như khả kinh tế thế giới rơi vào suy thoái do lãi suất tại các nước phát triển được duy trì ở mức cao trong một thời gian dài.
Nếu Chính phủ điều chỉnh giá dịch vụ trong nửa cuối năm 2025, lạm phát trung bình có thể ở mức 3,5% trong kịch bản cao. Đối với kịch bản thấp, trong trường hợp kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong năm 2025 và giá dầu giảm mạnh, lạm phát trung bình có thể giảm xuống còn 2,5% hoặc thậm chí thấp hơn" - TS. Nguyễn Đức Độ dự báo.
https://laodong.vn/kinh-doanh/du-bao-bat-ngo-ve-kich-ban-lam-phat-nam-2025-cua-viet-nam-1447577.ldo
Thạch Lam (BÁO LAO ĐỘNG)