Trang chủChuyên đềChăm lo bảo vệ - đời sống công nhân lao động
Chăm lo bảo vệ - đời sống công nhân lao động
Cập nhật lúc 09:09 17/12/2024 (GMT+7)
Dự báo xu hướng biến đổi của giai cấp công nhân Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Sau gần 40 năm đổi mới, nhất là từ khi bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, giai cấp công nhân có vai trò đặc biệt quan trọng. Để có thể đưa ra được quan điểm đúng đắn cũng như những giải pháp hiệu quả nhằm tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, cần có những dự báo xu hướng biến đổi của giai cấp này.

Về xu hướng biến đổi tích cực

Một là, số lượng công nhân lao động từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vẫn sẽ tăng lên.

Trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một số công nghệ phát triển vượt bậc như: Iot, big data, AI… đã dẫn đến việc hình thành các ngành nghề mới liên quan trực tiếp đến những công nghệ này như: nhân viên phát triển ứng dụng, kĩ sư trí tuệ nhân tạo, kĩ sư chế tạo rô bốt, kĩ sư viết phần mềm ứng dụng… Trong khi đó, một số ngành công nghiệp tập trung nhiều công nhân lao động giản đơn, công nhân cổ xanh được dự báo là có nguy cơ biến mất. Vậy, số lượng giai cấp công nhân trong thời gian tới khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, sẽ tăng lên hay giảm đi, khi mà các ngành nghề sử dụng nhiều lao động đang dần biến mất? Điều này thực ra không nằm ngoài suy luận của C.Mác ở những năm đầu thế kỷ XIX khi ông cho rằng: “Mặc dù máy móc nhất định sẽ sa thải công nhân ra khỏi những ngành lao động trong đó máy móc được sử dụng, nhưng nó lại có thể tạo thêm công ăn việc làm trong những ngành lao động khác”, vì “sản xuất bằng máy móc mà càng được mở rộng trong một ngành công nghiệp thì sản xuất cũng sẽ tăng lên trước hết là ở những ngành khác, cung cấp tư liệu sản xuất cho những ngành công nghiệp đó”1 . Thực tế, lịch sử phát triển của các cuộc CMCN cũng cho thấy, việc ứng dụng công nghệ ngày càng tạo ra số lượng việc làm mới nhiều hơn số việc làm bị mất đi2 : Một kết quả nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, trong giai đoạn năm 1850 - 2015, việc ứng dụng máy móc và công nghệ đã làm mất đi 3.508 việc làm, nhưng lại tạo ra 19.263 việc làm mới3 (ví dụ, từ năm 1980 đến năm 2015, máy tính cá nhân (PC) đã làm mất đi hơn 3 triệu việc làm ở Mỹ, nhưng nó cũng tạo thêm 19,2 triệu việc làm mới). Theo Báo cáo Tương lai nghề nghiệp 2018 (The Future of Jobs 2018) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) khoảng 75 triệu việc làm sẽ bị thay thế nhưng sẽ có khoảng 133 triệu việc làm được tạo ra vào năm 2022 ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi. Nắm bắt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đi tắt đón đầu, nước ta đã có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy quá trình CNH, HĐH cũng như luôn khẳng định khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Quá trình chuyển đổi số Quốc gia, phát triển kinh tế tri thức đang và sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm mới cho công nhân, những công việc này chủ yếu xuất phát từ các công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thực tế là, từ khi ra đời đến này, số lượng giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng tăng lên. Nếu như trước những năm đổi mới, số lượng công nhân nước ta là 7 triệu, đến năm 2007 là 9,5 triệu và năm 2013 tăng lên gần 11 triệu thì hiện nay đã có khoảng 16,5 triệu người2 . Do đó, dự báo về sự tăng lên của giai cấp này ở Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở khoa học.

Hai là, cơ cấu giai cấp công nhân Việt Nam sẽ có sự chuyển dịch. Về cơ cấu theo thành phần kinh tế: Với chủ trương chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế sâu rộng, đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ nước ngoài và các đối tác quốc tế cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ… để chủ động nắm bắt cuộc cách mạng này, tạo đà cho nền kinh tế Việt Nam cất cánh, thì đội ngũ công nhân ở khu vực doanh nghiệp nước ngoài đang ngày càng tăng lên.

Về cơ cấu ngành nghề: Dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, cơ cấu kinh tế Việt Nam chuyển đổi theo hướng ưu tiên các ngành có hàm lượng tri thức, áp dụng tối đa những tiến bộ khoa học, công nghệ vào trong sản xuất, công nghiệp, hướng đến nền kinh tế số, công nghệ số và kinh tế tri thức. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra rất nhiều những ngành nghề mới, dựa trên sự phát triển của khoa học, công nghệ như: công nghệ in 3D, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật kết nối, chuỗi blockchain… những ngành nghề dựa trên sự tích hợp của các công nghệ được cho là nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã có mặt ở Việt Nam và đang tạo nên những bứt phá từng ngày từng giờ cho nền kinh tế năng động này. Gần đây, nổi lên nhiều tên tuổi của các công ty công nghệ lớn như: Tập đoàn

công nghệ - viễn thông quân đội (Viettel Group); Công ty cổ phần FPT (tập đoàn

FPT); Công ty cổ phần giải pháp thanh toán Việt Nam (Vnpay)… những công nghệ mới nhất đang được các công nhân cổ trắng nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm ứng dụng cao. Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Việt Nam cũng đã đạt được những thành công nhất định, với sự xuất hiện của nhiều trung tâm và công ty lớn chuyên nghiên cứu về lĩnh vực này như: Trung tâm nghiên cứu ứng dụng trí tuệ

nhân tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng công ty MobiFone với ứng dụng AI Text

to Speech, đây là giải pháp chuyển đổi chữ viết thành tiếng nói tiếng Việt, hay công nghệ Camera sử dụng Trí tuệ nhân tạo AI Camera... Với những giải pháp này, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã có thể tiết kiệm chi phí thuê công nhân làm các công việc như: chăm sóc khách hàng, tìm kiếm thông tin hay quản lý lao động... Bên cạnh AI, ứng dụng Blochain cũng đang được các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng để tạo chuỗi quản lý khép kín, tăng độ tin cậy của người dùng đối với doanh nghiệp. Người dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm dựa trên việc ứng dụng công nghệ này, hiện nay trong ngành công nghiệp, hay nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng này đã được các doanh nghiệp khởi nghiệp sử dụng: như Xoài Đồng Tháp, công nghiệp chế biến thực phẩm... Trước yêu cầu của doanh nghiệp, của nền kinh tri thức, giai cấp công nhân có sự chuyển dịch từ những ngành công nghiệp truyền thống như công nghiệp dệt may, da giày, công nghiệp chế biến thủ công, thủy hải sản, gia công hàng tiêu dùng… sang những ngành công nghiệp công nghệ cao. Như vậy, cầu về công nhân trí thức, thành thạo các kỹ năng đang có xu hướng gia tăng, ngược lại cầu về lao động thủ công, truyền thống lại giảm đi.

Vì vậy, bên cạnh đội ngũ công nhân truyền thống đã xuất hiện đội ngũ công nhân trong các ngành nghề mới. Trong đó, đa phần là lớp công nhân trẻ, có sức khỏe, có trình độ học vấn, có khả năng tiếp thu công nghệ hiện đại. Cơ cấu công nhân theo giới: Khác với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, người công nhân chủ yếu vận hành máy móc trong một dây chuyền công nghiệp, đòi hỏi phải có sức khỏe trước tiên, khiến cho nhiều công nhân nữ khó khăn trong cơ hội kiếm được việc làm. Nhưng hiện nay, bối cảnh mới đang tạo điều kiện cho bình đẳng giới, vì cuộc Cách mạng này làm phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ, công nghiệp phụ trợ mới như: nhà hàng, khách sạn, ngân hàng…, là các khu vực tập trung công nhân nữ rất nhiều.

Cơ cấu công nhân theo vùng: Trong bối cảnh đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày một gia tăng, nền kinh tế số, kinh tế tri thức đang được hình thành và phát triển. Một số địa phương do địa hình thuận tiện lại gần trung tâm, thu hút đượcnhiều sự đầu tư cả trong và ngoài nước. Nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều doanh nghiệp, công ty tư nhân cũng như nước ngoài, nhiều công ty khởi nghiệp thành công… tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Bình Dương, Đồng Nai… Đây là các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, được quy hoạch phát triển. Trong tương lai, một số tỉnh như Hà Nội, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng các khu đô thị thông

minh và thành phố thông minh, hoạt động và quản lí hoàn toàn theo hệ thống công nghệ mới nhờ vào trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật kết nối và dữ liệu lớn… Theo đó, các khu công nghệ cao sẽ được xây dựng tại đây và sẽ trở thành các trung tâm nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm các ứng dụng công nghệ mới, trước khi phổ biến trên thị trường. Do đó, sẽ là những nơi tập trung đông đảo công nhân và đặc biệt là đội ngũ công nhân trí thức.

Ngược lại, ở những vùng địa hình phức tạp hơn như: vùng núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo… tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế khó khăn, cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh tế.

Ba là, dự báo chất lượng giai cấp công nhân Việt Nam sẽ tăng lên để đáp ứng được yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, và kinh tế tri thức. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế… đang đặt ra các yêu cầu mà giai cấp công nhân nếu muốn nắm bắt được cơ hội có được việc làm tốt hơn, nhiều lựa chọn hơn, và nâng cao chất lượng cuộc sống thì không còn cách nào khác là phải chuẩn bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng cần có, đồng nghĩa với việc họ đang tiệm tiến đến việc nâng cao chất lượng giai cấp mình. Kết quả thống kê cho thấy: về trình độ học vấn, 70,2% tổng số công nhân có trình độ trung học phổ thông, 26,8% có trình độ trung học cơ sở, 3,1% có trình độ tiểu học, 17,9% có trình độ trung cấp, 6,6% có trình độ cao đẳng, 17,4% có trình độ đại học; về trình độ chuyên môn, hiện có 48% công nhân được đào tạo tại doanh nghiệp.

Nếu phân theo ngành nghề, tỷ lệ công nhân được đào tạo chuyên môn trong lĩnh

vực khai khoáng là 50,4%; lĩnh vực công nghiệp chế biến là 18,5% năm 2016; lĩnh vực xây dựng tăng là 14,0%; lĩnh vực dịch vụ vận tải là 55,2% năm; lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 83,1%.

Bốn là, về phẩm chất chính trị, lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân. Với những yêu cầu, đòi hỏi về trình độ tay nghề, về kỹ năng công việc… mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra, đã làm phát triển đội ngũ công nhân công nghệ cao, công nhân trí thức. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mang đến cho đội ngũ công nhân này cơ hội việc làm tốt với thu nhập cao, và một

cuộc sống ổn định. Đây là điều kiện để công nhân một mặt nâng cao tri thức của mình, một mặt dễ dàng giác ngộ và bản lĩnh tư tưởng, chính trị lập trường giai cấp vững vàng hơn.

Về xu hướng biến đổi tiêu cực:

Một là, làm tăng nguy cơ mất việc đối với một bộ phận công nhân lao động giản đơn, không kịp thích ứng với bối cảnh mới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với sự phát triển của kinh tế tri thức đang và sẽ tác động dẫn đến sự chuyển dịch từ những ngành công nghiệp truyền thống như công nghiệp dệt may, da giày, công nghiệp chế biến thủ công thủy hải sản, gia công hàng tiêu dùng… sang những ngành công nghiệp công nghệ… Điều này cũng là một thách thức đối với giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay. Rõ ràng rằng trong tương lai cầu về công nhân trí thức, thành thạo các kỹ năng đang có xu hướng gia tăng, ngược lại cầu về lao động thủ công, truyền thống lại giảm đi. Trong khi đó, hiện nay tỷ lệ công nhân lao động trong các ngành lao động chân tay, lao động giản đơn vẫn còn nhiều. Ví dụ như ngành dệt may của Việt Nam cũng là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế “chiếm 12 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước” . Tuy nhiên, theo thống kê, trên 70% doanh nghiệp trong ngành dệt may có quy mô nhỏ và trung bình trong ngành sẽ rất khó khăn trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ mới; 30% doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp lớn trong nước đã ứng dụng tự động hóa theo từng công đoạn sản xuất, trong đó dưới 5% có kế hoạch triển khai công nghệ tự động hóa kết nối.2 Đây là một nguy cơ, thách thức lớn đối với đội ngũ công nhân Việt Nam hiện đang lao động trong những ngành này. Đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 chủ trương của Đảng và Nhà nước là chuyển đổi số nhanh, mạnh, trở thành nước công nghiệp phát triển ứng dụng đầy đủ những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Điều này dẫn đến việc một số ngành như dệt may, da giày có nguy cơ biến mất và

nhiều công nhân hiện đang lao động trong những ngành này nếu như không có chủ trương chuyển dịch sẽ có nguy cơ mất việc làm, đời sống bấp bênh, khó khăn. Đây là một thách thức không nhỏ đối với đội ngũ công nhân cổ xanh, công nhân truyền thống hay công nhân lao động giản đơn.

Hai là, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra bài toán giải quyết việc làm cho công nhân nữ trong tương lai. Có thể nhìn thấy số lượng công nhân nữ làm việc tập trung trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là cao nhất chiếm tới 68%

tổng số công nhân nữ hiện nay, nhưng công việc chủ yếu của họ là nhân viên sản xuất, tức gia công, lao động chân tay đơn thuần. Trong khi đó, hai xu hướng mà cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang tới đó là: nhà máy chuyển dịch về nơi khoa học công nghệ phát triển, và xu hướng thứ hai là nhà máy sẽ chuyển về nơi gần thị trường tiêu thụ để nắm bắt nhanh nhất có thể thị hiếu của khách hàng…

Những doanh nghiệp nước ngoài, hiện sử dụng nhiều công nhân nữ như Samsung

Việt Nam... trong tương lai, cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng đó. Vậy, một số lượng lớn công nhân nữ, lao động giản đơn hiện nay sẽ đi về đâu? Đây là bài toán

cần lời giải đáp. Điều này đang đặt những công nhân nữ trước những thời cơ, thách thức khôn lường.

Ba là, những vấn đề xã hội có thể nảy sinh trong giai cấp công nhân Việt Nam. Khi công nhân lao động tập trung chủ yếu ở thành thị, những vùng giao thông đi lại thuận lợi, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng phát triển, nơi tập trung nhiều khu công nghệ cao, khu chế xuất… dẫn đến bài toán về đời sống của công nhân như làm thế nào để đáp ứng yêu cầu về chỗ ăn, ở, sinh hoạt và các dịch vụ đi kèm… Cùng với đó, dễ dẫn đến nhiều vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh như tệ nạn cờ bạc, ma tuý, mại dâm...

Bên cạnh đó còn là vấn đề an ninh trong công nhân. Việc mở rộng hội nhập quốc tế, mà điển hình là gia nhập CPTPP (Việt Nam đã là thành viên từ 2018), về vấn đề công nhân gia nhập công đoàn Việt Nam gặp nhiều thách thức từ những quy định của tổ chức này về việc người lao động tự do lựa chọn. Bên cạnh đó, nhà nước cũng chịu nhiều sức ép về sửa đổi pháp luật lao động, công đoàn về quyền tự do thành lập hoặc gia nhập tổ chức công đoàn theo sự lựa chọn của người lao động, tự chủ trong hoạt động công đoàn, quyền đình công cho phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế trước khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực để thực thi… Sức ép về thực thi các điều khoản lao động như bao gồm cơ chế giải quyết tranh chấp, cơ chế giải quyết khiếu nại, cơ chế hợp tác, cơ chế giám sát thực thi của hiệp định. Sức ép về cải thiện quy định pháp luật quốc gia và tình hình lao động cho phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế khác đã nêu trong hiệp định như: lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.

Tham gia quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã tạo ra nhiều vấn đề nổi cộm, cần được giải quyết: Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm trong thời gian tới vẫn còn tồn tại; phân hoá giàu nghèo tăng nhanh; sự phân tầng xã hội, phân hoá trong giai cấp công nhân cũng ngày càng sâu sắc về trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp, về thu nhập, mức sống, lối sống, phân hoá về giác ngộ chính trị của các bộ phận công nhân; sự cách biệt về lợi ích giữa các bộ phận công nhân, giữa các ngành nghề và các thành phần kinh tế. Quan hệ lao động trong các cơ sở sản xuất, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn có xu hướng phức tạp. Những yếu tố này tác động mạnh đến công nhân trên nhiều lĩnh vực, nhất là đến lĩnh vực tư tưởng và ý thức chính trị của giai cấp công nhân.

Xu hướng cạnh tranh trên thị trường trong nước ngày càng quyết liệt; đồng thời, nền kinh tế thường xuyên phải đối mặt với những cú sốc từ bên ngoài, trước hết là khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu, biến động giá cả thế giới, tranh chấp thương mại quốc tế... sẽ dẫn đến nguy cơ bị mất việc, thất nghiệp và áp lực việc làm rất lớn trong công nhân. Trong đó, lao động có trình độ thấp, công nhân lớn tuổi và lao động nhập cư từ nông thôn có nguy cơ cao nhất.

Bốn là, dự báo nhưng tác động tiêu cực đến ý thức chính trị của giai cấp công nhân Việt Nam. Một nghịch lý đang diễn ra trong xã hội đó là nếu như một bộ phận công nhân trí thức đảm nhiệm các công việc mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, dữ liệu lớn… những lĩnh vực được dự đoán là sẽ tạo ra nhiều việc làm hấp dẫn với mức thu nhập cao, những công nhân kĩ thuật cao, công nhân trí thức sẽ ngày càng giàu lên, thì ngược lại những công nhân đảm nhiệm những công việc chủ yếu liên quan đến lao động chân tay, ở những ngành công nghiệp truyền thống không những có nguy cơ bị thất nghiệp, mà còn ngày càng nghèo đi. Bộ phận công nhân này đang đứng trước những thách thức lớn, vì vậy họ là ai hay sứ mệnh lịch sử của họ là gì không còn quan trọng nữa, quan trọng là họ sẽ phải đối mặt như thế nào với những thay đổi sắp tới trong công việc, trong cuộc sống.

Điều này, đang tác động trực tiếp đến ý thức giai cấp của một bộ phận công nhân lao động trên thế giới. Đôi khi mải chạy theo nhu cầu vật chất mà quên đi hoặc thờ ơ với bản chất giai cấp mình. Đặc biệt, đối với một bộ phận công nhân đang có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, đang đối mặt với một cuộc sống bấp bênh và đói nghèo, thì họ tuyệt nhiên không thể nghĩ đến bản chất giai cấp, sứ mệnh lịch sử hay đơn giản là vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội. Đây thực sự là bài toán mà các nước xã hội chủ nghĩa khi tiến hành chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng tiến tới kinh tế số, công nghệ cao… cần phải đặt ra và giải quyết.

Từ nay đến năm 2030 và cả năm 2045, sự phát triển GCCN vẫn là kết quả từ tổng hòa sự vận dụng các đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh thế giới và Việt Nam. Từ thực tế, nhất là những năm đổi mới đất nước, đã chứng minh, nếu đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước đúng đắn, sát thực, đáp ứng được đòi hỏi khách quan của môi trường đương đại sẽ thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đường lối và chính sách ấy được vận dụng sáng tạo vào xây dựng GCCN sẽ làm cho GCCN phát triển phù hợp với định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước; người công nhân sẽ là một hình mẫu của con người mới Việt Nam; cả GCCN sẽ là nòng cốt trong liên minh công - nông - trí thức và khối đại đoàn kết toàn dân tộc - động lực to lớn của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Nếu đường lối và chính sách không phù hợp hoặc vận dụng thiếu cụ thể, không đủ các nguồn lực cần thiết... thì sự phát triển GCCN sẽ không đáp ứng được vị trí, vai trò quan trọng của mình trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra những vấn đề mới nặng nề và phức tạp đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, Đảng và Nhà nước ta cũng phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để nâng cao chất lượng lãnh đạo và quản lý, trong đó có hoạch định đường lối, chính sách nói chung và tác động đến GCCN nói riêng, đưa đất nước vững bước đi lên trở thành: Nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

PGS,TS. Dương Trung Ý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

In
Về đầu
Lượt truy cập: